Người mẹ doanh chủ thứ 1.001
Kể lại thì nghe hơi buồn cười, tôi đến với Nu Skin bởi vì công việc này quá nhiều phụ nữ, mà lại toàn phụ nữ xinh đẹp, tươi trẻ. Ông xã tôi làm công việc này trước và mỗi lần anh đi sự kiện hoặc họp đội nhóm thì y như rằng trên Facebook của anh lại đầy hình ảnh chụp với cô này cô kia, mà ai cũng cười toe toét, vui vẻ hớn hở. Có thể tóm gọn hành trình của tôi với Nu Skin như thế này: tìm hiểu để giữ chồng, quyết định vì tính bền vững và an toàn, gắn bó vì tìm ra lý tưởng sống. Với tôi, sự chuyển đổi lớn nhất của bản thân là trả lời được hai câu hỏi “Mình là ai và mình muốn gì trong cuộc đời này?”
Tháng 7/2013, vẫn còn trong giai đoạn tìm hiểu Nu Skin chủ yếu để giữ chồng, tôi tham gia một chương trình huấn luyện có tên là Thay Đổi Để Thành Công của người anh, người thầy mà hai vợ chồng tôi vô cùng yêu quý, anh Dean Nguyễn. Chương trình dài 3 ngày 2 đêm gồm rất nhiều bài tập và hoạt động khơi gợi cảm xúc, kích thích người tham dự suy nghĩ về bản thân, gia đình, mục đích sống. Thành thật mà nói, tôi gần như thờ ơ, miễn nhiễm với những điều đó. Điều duy nhất đọng lại là khi ra về, tôi bất giác tự hỏi “Tại sao mình không có cảm xúc giống như người khác?”. Câu hỏi này dẫn đến nhiều câu hỏi khác vể bản thân. Có thể nói đó là lần đầu tiên trong đời tôi đặt ra những câu hỏi như vậy.
Sự thay đổi trong suy nghĩ thể hiện ra bên ngoài ban đầu là quyết định từ bỏ mảng kinh doanh quán ăn nhanh mà hai vợ chồng đang làm lúc đó, bên cạnh mảng kinh doanh nội thất. Bước ngoặt kế tiếp là một chương trình huấn luyện khác, lần này là khóa học Business Mastery của Anthony Robbins (Tony Robbins). Mục đích ban đầu khi hai vợ chồng tôi đi học là tìm ra giải pháp vận hành và phát triển công ty nội thất hơn nữa, đồng thời nâng cao năng lực và tư duy lãnh đạo của bản thân. Nhưng rốt cuộc, khóa học lại gián tiếp dẫn đến quyết định đóng cửa công ty và tập trung vào kinh doanh Nu Skin.
Tôi còn nhớ Tony Robbins nói thế này: “Khi bắt đầu việc kinh doanh của mình của, tình thần và nhiệt huyết bạn dành cho nó là mấy điểm từ 1 – 10? Và bây giờ, tinh thần và nhiệt huyết ấy là mấy điểm? Nếu số điểm giảm đi và kéo dài một thời gian rồi thì tốt nhất là bạn nên dừng việc kinh doanh đó lại. Vì năng lượng bạn dành cho nó đã không còn nữa.” Câu nói này, cộng thêm nhiều yếu tố khác khiến tôi đặt ra câu hỏi lớn cho mình “Mình muốn điều gì trong cuộc đời này?” Tôi muốn tự do. Nhưng không phải kiểu tự do không làm gì cả hoặc muốn làm gì thì làm. Tự do, với tôi, nghĩa là sự linh hoạt, không chỉ trong thời gian mà còn ở tinh thần làm việc, điều kiện làm việc và đối tượng làm việc. Làm chủ một công ty phát triển tốt, tất nhiên bạn có thể đi chơi bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi sang trọng nào nếu muốn. Nhưng nếu ngay lúc đó khách hàng quan trọng cần gặp bạn thì gần như chắc chắn bạn phải có mặt. Chưa kể những bài toán về tài chính, con người, vận hành khiến cho đầu óc bạn gần như không bao giờ nghỉ ngơi. Nhớ lại giai đoạn công ty nội thất phát triển tốt nhất thì ngoại hình, thần sắc, tinh thần của tôi lại gần như tệ nhất. Đó chắc chắn không phải là điều tôi muốn trong đời.
Một mong muốn nữa, cũng quan trọng không kém sự linh hoạt, đó là được công nhận. Thực sự, với tôi, nhu cầu này còn lớn hơn cả về tài chính. Bạn làm việc và được trả tiền là chuyện tất nhiên và rất bình thường. Tuy nhiên, tôi cho rằng con người luôn cần nhiều hơn thế. Trong kinh doanh cũ, sự ghi nhận những giá trị về mặt con người như tận tụy, sáng tạo, trách nhiệm,.. rất ít và nếu có thì cũng chỉ giữa một vài người lãnh đạo, quản lý cấp cao với nhau mà thôi. Sự thiếu thốn ở kinh doanh cũ được lấp đầy khi tôi gắn bó hơn với kinh doanh Nu Skin. Môi trường này đề cao con người bạn trở thành hơn là thu nhập mà bạn đạt được. Sự ghi nhận của cả một đội ngũ hàng ngàn người ở các sự kiện từ trong nước cho đến toàn cầu không chỉ khiến bạn hạnh phúc mà còn thúc đẩy bạn liên tục liên tục học hỏi và hoàn thiện bản thân.
Sau khi gián tiếp xúi tôi đóng cửa công ty, anh Dean và Tony Robbins lại khiến tôi rơi vào cảnh “nghiện ngập”. Thứ tôi nghiện là cảm giác giúp người khác khám phá ra phiên bản tốt hơn của chính họ. Chính xác hơn thì các khóa học của hai thầy giúp tôi nhìn lại, sàng lọc và phát hiện ra đây mới chính là lý tưởng sống của mình và đây là điều mình làm giỏi nhất.
Khởi đầu là cuốn sách Kiến Tạo Cuộc Đời Ngoại Hạng và khóa học Retreat kèm theo cuốn sách của anh Dean. Cuốn sách gồm 100 câu hỏi chia làm 3 phần: Tôi là ai, Tôi muốn gì, Tôi làm gì (để đạt được điều mình muốn). Trong đó, phần “Tôi là ai” khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất. Những người quen biết tôi có thể sẽ không tin được điều này: trước đây tôi không tự tin vào bản thân. Tôi không biết mình là ai? Không có ai chỉ ra và thúc đẩy tôi trở thành con người mà tôi nên trở thành. Tôi không biết liệu mình có đang phát triển đúng với bức tượng có sẵn bên trong mình, như anh Dean thường kể câu chuyện về Michelangelo và bức tượng David. Một thời gian dài tôi thử nhiều cách để trả lời câu hỏi đó, từ sinh trắc vân tay cho đến xem tử vi tứ trụ, đọc rất nhiều sách về khai phá bản thân rồi đến khóa học Life Mastery của Tony Robbins.
Điểm kết thúc, cũng là lúc tôi nhìn rõ được lý tưởng sống của mình là hành trình đi bộ xuyên Việt trong 60 ngày do anh Dean khởi xướng. Suốt 2 tháng ròng chỉ làm những việc nhàm chán là ăn – ngủ – đi bộ nhưng hóa ra lại là khoảng thời gian tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trong đời. Không còn công việc, không còn phân tâm, tôi có cơ hội nghiền ngẫm lại cuộc đời mình. Khoảng thời gian đó giống như tôi trở thành một người thứ 2, hoàn toàn xa lạ, đứng sang một bên để nhìn nhận, đánh giá về những gì mà Lê Quỳnh Bảo Trân đã trải qua. Trong vai người thứ 2 đó, tôi nhớ lại trong các công việc trước kia, mình đã tuyển vào rất nhiều người chỉ vì tin rằng họ làm được, dù khi đó họ không có chuyên môn. Tự tôi hướng dẫn, đào tạo, động viên họ trở thành người làm việc chuyên nghiệp. Nhiều người sau khi nghỉ việc ở công ty của tôi đã có thu nhập cao hơn ở nơi khác. Khi đó tôi cho rằng điều mình làm là hiển nhiên và sòng phẳng. Sau này, với kinh doanh Nu Skin, điều này xảy ra thường xuyên hơn. Nhưng quan trọng hơn là ở đây, tôi và những người tôi giúp đỡ không phải quan hệ chủ doanh nghiệp – người làm thuê như trước. Tất nhiên chúng tôi có liên quan về tài chính, nhưng tôi không phải là người quyết định thu nhập của họ và cũng không có quyền sa thải họ.
Tôi nhận ra mình có một trực giác rất tốt trong việc nhìn ra những tiềm năng của người khác. Và điều tôi say mê chính là cảm giác khi chia sẻ, hướng dẫn, động viên, giúp đỡ họ trở thành người mạnh mẽ hơn, hoàn thiện hơn, có cuộc sống chất lượng hơn. Có một lần anh Dean chia sẻ rằng sứ mệnh của anh là tạo ra 5.000 tác phẩm là những người phát huy được tối đa tiềm năng của mình. Là học trò, tôi chỉ khiêm tốn đặt mục tiêu là giúp đỡ 1.001 người phụ nữ khám phá ra phiên bản tốt hơn của chính họ. Thực ra chỉ là 1.000 thôi, người cuối cùng là chính tôi. Còn tại sao lại là phụ nữ ư? Cá nhân tôi tin rằng phụ nữ có tiềm năng mạnh mẽ hơn đàn ông. Hãy nhìn cách mà những người phụ nữ phải đồng thời quán xuyến công việc ở công ty, việc nội trợ, chăm sóc con cái,… Chúng ta không thể nói rằng việc của đàn ông là quan trọng hơn. Việc nào cũng là việc. Chúng đều tốn thời gian, công sức, tâm trí. Nếu người phụ nữ có thể cáng đáng nhiều thứ như vậy cùng lúc thì rõ ràng tiềm năng của họ là vô cùng đáng nể. Điều họ cần là sự dẫn dắt, phương tiện phù hợp và niềm tin vô điều kiện. Đó là những thứ mà sau một chặng đường dài dằn vặt, tự đào xới và lột xác chính mình, tôi nghĩ mình đã tích lũy đủ và sẵn sàng trao đi.
Chị Trân Lê nói cũng hay và viết cũng cuốn hút.